Phân tích kỹ thuật trong chứng khoán

Trong đầu tư chứng khoán, có lẽ Technical Analysis là khái niệm phổ biến nhất và cũng được nhiều người sử dụng nhất. Nó được áp dụng từ những mẫu hình nến, hay những trendline (đường xu thế), cho đến những technical indicator (chỉ báo kỹ thuật). Nhưng tựu chung lại chúng đều là những biểu thức toán của giá và khối lượng, nhằm diễn đạt xu thế thị trường và có giá trị trong việc dự đoán giá cổ phiếu. Chúng ta hãy cùng xem xét một số khái niệm trong đó.
Trendline (đường xu thế) là những đường ranh giới cho sự chuyển động của giá. Nó được tạo ra từ việc kết nối các điểm đỉnh hoặc đáy của giá, hoặc kẻ song song từ những đường trendline khác. Có hai loại đường xu thế chính đó là support line (đường hỗ trợ) và resistance line (đường kháng cự). Các đường này thường được sử dụng với mục đích kiểm nghiệm các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của giá. Khi gặp những đường này, giá thường có xu hướng quay trở lại, chính vì thế các đường này tạo nên ranh giới cho sự chuyển động của giá. Tuy nhiên, khi giá phá vỡ các trendline với một lực rất mạnh thì xu thế bị thay đổi, đường hỗ trợ sẽ chuyển thành đường kháng cự và ngược lại. Các trendline này nếu được kết hợp với technical indicator (chỉ báo kỹ thuật) thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Candlestick (biểu đồ hình nến) được sử dụng lần đầu tiên từ thế kỷ 18, bởi một thương gia người Nhật, ông Munehisa Homma. Ông đưa ra cách biểu diễn giá dưới dạng một hình nến bao gồm đầu, thân và đuôi. Cách biểu diễn này thể hiện được đồng thời 5 đại lượng về giá của cổ phiếu đó là: giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất và sự tăng/giảm giá. Nó trở nên đặc biệt thông dụng từ thế kỷ 19, sau khi các candlestick pattern (mẫu hình nến) được đưa ra. Các pattern này có rất nhiều dạng từ đơn giản đến phức tạp ví dụ như: Morning star, Head and shoulder, Doji star… Chúng nhằm mục đích biểu diễn xu thế của thị trường dựa vào giá (không có khối lượng) và đưa ra dự đoán vào xu thế ấy.
Technical indicator (chỉ báo kỹ thuật) là những chỉ báo được tạo ra bởi giá và khối lượng, hiểu dưới khía cạnh toán học thì chúng là những biểu thức toán học của giá và khối lượng, nhằm dự đoán xu thế của thị trường. Các chỉ báo thông dụng nhất có thể kể đến: MACD, RSI, MFI… Chúng được sáng tạo ra từ việc đúc kết kinh nghiệm của các nhà đầu tư, và vẫn liên tục được đổi mới cũng như phát triển thêm cho đến ngày hôm nay. Với rất nhiều nhà đầu tư, thì việc sử dụng các chỉ báo này gần như một việc buộc phải có, tuy nhiên tính chính xác của chúng thì rất ít khi được ghi chép lại hay thống kê một cách cụ thể. Có rất nhiều chỉ báo phức tạp được tạo ra với quá nhiều biến số, khả năng bị overfitting của chúng là rất cao, dẫn đến tính chính xác bị giảm đi khá nhiều. Chính vì thế ngày nay, những trader sành sỏi nhất chỉ sử dụng bộ 4 đến 5 chỉ báo thông dụng nhất mà thôi. Việc sử dụng các chỉ báo phức tạp hơn dường như không có nhiều ý nghĩa, mà chỉ khiến cho rối loạn hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư.

Using Self-Fulfilling Prophecies to Your Advantage | Psychology Today  Singapore

Nói đến technical analysis thì không thể không nhắc đến một hiện tượng rất phổ biến, với cái tên self-fulfilling, tạm dịch là “lời tiên tri tự hoàn thành”. Hiện tượng này xảy ra khi một lời tiên tri về một sự việc nào đó tự trở thành hiện thực, vì những người biết đến lời tiên tri đó làm đúng theo nó. Một ví dụ điển hình nhất cho self-fulfilling là hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng này là khi một người đặt kỳ vọng cao vào bản thân thì sẽ gia tăng hiệu quả làm việc và ngược lại. Trong technical analysis (TA) cũng vậy, vì các khái niệm trong TA ngày càng trở nên phổ biến và khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào chúng. Chính vì sự tin tưởng này mà chúng trở nên ngày càng chính xác hơn. Ví dụ như một đường hỗ trợ, khi hầu hết các nhà đầu tư đều tin tưởng rằng giá giảm và chạm đường hỗ trợ này thì giá sẽ bật tăng trở lại, thì khi giá thực sự giảm về mức đó, họ sẽ đổ xô vào mua cổ phiếu nhằm kiếm lợi và tạo ra sự tăng trở lại của giá. Khiến cho đường hỗ trợ này đúng trở thành điểm hỗ trợ thực sự của giá. Hiện tượng self-fulfilling này trở nên ngày càng mạnh khi ngày càng có nhiều người tin tưởng vào một chỉ báo nào đó. Vì thế trong đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư nên nắm được các khái niệm TA cơ bản. Điều này có thể không giúp gia tăng sự chính xác trong dự đoán, nhưng sẽ giúp đề phòng trường hợp xấu xảy ra và có được những phương án dự phòng tốt nhất.

Thái Phí

View posts by Thái Phí
Nhân viên IT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top