Trên thị trường chứng khoán, tồn tại hai khái niệm đối nghịch nhau là Long và Short. Hiểu một cách đơn giản, Long nghĩa là mua cổ phiếu, còn Short là bán cổ phiếu. Tuy nhiên, hai khái niệm tưởng chừng đơn giản này, lại chứa đựng rất nhiều yếu tố thú vị trong nó. Chúng ta hãy cùng xem xét một vài khía cạnh.
“Long” một cổ phiếu là việc đơn giản và dễ hiểu, tuy nhiên “Short” cổ phiếu lại là việc không phải ai cũng biết đến. Short hay còn gọi là Short-Selling, nghĩa là bạn bán khống cổ phiếu. Bạn sẽ vay cổ phiếu từ một Quỹ đầu tư hay một nhà đầu tư nào đó, đem cổ phiếu vay được bán ra thị trường. Sau đó, khi giá cổ phiếu sụt giảm (trong trường hợp bạn dự đoán đúng), bạn sẽ mua lại nó ở giá thấp hơn, trả lại cho người vay và kiếm lời từ việc giảm giá này. Trong rất nhiều thị trường, Short bị cấm hoàn toàn, ví dụ như ở thị trường Việt Nam. Lý do vì các nhà quản lý lo sợ các lệnh Short này sẽ khiến thị trường biến động mạnh hơn, cũng như tạo tâm lý xấu cho các nhà đầu tư. Ngay cả ở thị trường Mỹ, các nhà quản lý cũng áp dụng lệnh cấm Short trong một số trường hợp. Ví dụ như khi cổ phiếu đang giảm giá quá mạnh, xảy ra lỗi hệ thống hay có thảm họa thiên nhiên. Việc không cho Short mà chỉ cho Long khiến cho các thị trường (ví dụ như Việt Nam) trở nên chênh lệch về việc tăng giảm. Thời gian cho một chu kỳ tăng giá và một chu kì giảm giá là khác nhau. Cổ phiếu sẽ cần rất nhiều thời gian để tăng lên, nhưng lại chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn để giảm mức tương đương. Sự chênh lệch này đến từ việc có quá nhiều nhà đầu tư ở cùng về một phía của thị trường (có quá nhiều người Long vì họ không được phép Short); khiến cho khi thị trường xảy ra biến động, sẽ có sự tháo chạy ồ ạt, dẫn đến giảm giá cực nhanh. Tại những thị trường cho phép cả Long và Short, sự chênh lệch này sẽ được giảm đi. Những chu kỳ tăng/giảm giá sẽ tương đương nhau hơn, sẽ không có những phiên giảm giá sốc, thị trường nhìn chung sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên để thực hiện việc này cần sự minh bạch trong quản lý. Vì nếu tồn tại những nhóm điều phối, tác động lên giá cổ phiếu để trục lợi, thì thị trường sẽ lại trở nên hỗn loạn hơn nếu cho cả Long và Short. Chính vì thế với những thị trường mới như Việt Nam, thông thường các nhà quản lý sẽ không cho phép nhà đầu tư được Short cổ phiếu.
Một điểm cần lưu ý nữa đó là Short khác với Sell. Short là bán khống cổ phiếu, nghĩa là bạn không hề sở hữu cổ phiếu này cho dến khi bạn quyết định Short nó. Còn Sell là bán cổ phiếu, tức là trước đó bạn đã phải mua và sở hữu cổ phiếu này rồi. Tại hầu hết các thị trường, khi thực hiện một lệnh “Bán”, các nhà đầu tư cần phải nêu rõ đó là lệnh Short hay là lệnh Sell. Yêu cầu này nhằm giúp cho các nhà quản lý có thể kiểm soát được số lượng lệnh Short, cũng như ngăn chặn khi thị trường xảy ra những biến động quá lớn.
Quay trở lại lệnh Long và Short, một điểm khác biệt chính giữa chúng là mức độ rủi ro của hai lệnh này. Rủi ro của nhà đầu tư cho lệnh Long luôn luôn là 100%. Nghĩa là trong tình huống xấu nhất, bạn cũng chỉ có thể mất toàn bộ số tiền của mình (không sử dụng margin). Giá cổ phiếu chỉ có thể giảm về 0 (dù xác suất này là rất rất nhỏ). Còn về lệnh Short thì khác. Rủi ro của nó là vô hạn. Nghĩa là bạn có thể mất nhiều hơn số tiền mà bạn đã đầu tư rất nhiều lần. Lấy ví dụ cổ phiếu A, đang giao dịch ở mức 100 đồng, bạn quyết định Short 1 cổ phiếu này với hi vọng giá sẽ giảm. Tuy nhiên cổ phiếu A tăng lên 300 đồng. Đồng nghĩa với việc bạn bị thua lỗ 200 đồng, gấp đôi số tiền mà bạn đã bỏ ra để short. Và nếu cổ phiếu A lên 1000 đồng, bạn sẽ thua lỗ lên tới 900 đồng (9 lần số tiền đầu tư). Dĩ nhiên nếu bạn không có tiền trong tài khoản thì sàn chứng khoán sẽ tính bạn nợ họ khoản tiền này, và bạn sẽ bị buộc phải trả lại sau đó. Như vậy để thấy, rủi ro của lệnh Short là lớn hơn rất nhiều so với lệnh Long. Ở lệnh Long, rủi ro tối đa của chúng ta là 100%, còn ở lệnh Short, rủi ro lên đến vô hạn, giá của cổ phiếu có thể tăng lên đến hàng trăm, hàng ngàn lần, và bạn sẽ chìm trong một khoản nợ khổng lồ.
Nói như vậy để thấy, Long và Short, tưởng như là hai khái niệm tương đương nhau (về mặt logic), nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa và rủi ro khác nhau. Các nhà đầu tư cần hiểu rõ những yếu tố này trước khi đưa ra quyết định đầu tư, để tránh những thua lỗ không đáng có.