Biased memory (trí nhớ thiên kiến/thiên lệch) là một hiện tượng phổ biến của não bộ con người, chúng ta thường ghi nhớ đậm sâu những khoảnh khắc hiếm khi xảy ra thay vì những khoảnh khắc thông thường. Ví dụ như: thay vì ghi nhớ hành trình mỗi chuyến đi làm hàng ngày, chúng ta chỉ ghi nhớ những chuyến đi chơi, đi du lịch thú vị. Hay thay vì ghi nhớ những câu nói hàng ngày của một ai đó với chúng ta, bộ não lại chỉ ghi nhớ những câu nói của người đó khiến ta khó chịu, cho dù nó chỉ xảy ra một hoặc hai lần nhưng bộ não lại hằn sâu những ký ức đó và khó có thể xóa nhòa.
Trong đầu tư chứng khoán, biased memory xuất hiện khi nhà đầu tư chỉ nhớ về những lần lãi lớn, mà quên đi những lần thua lỗ trong đầu tư. Điều này dẫn đến những tác hại hết sức nghiêm trọng có thể kể đến như:
Gây hiểu lầm về khả năng của bản thân. Sau một vài lần chiến thắng, nhà đầu tư luôn nhớ về những chiến thắng này mà bỏ qua những lần đầu tư thất bại. Việc này khiến nhà đầu tư tiếp tục duy trì những cách làm sai, đầy rủi ro, chỉ thỉnh thoảng mới đem lại lợi nhuận còn lại hầu như là thua lỗ. Ví dụ như: đua lệnh mua khi giá đang tăng mạnh, đua bán khi có tin tức xấu trong khi chưa có phân tích nhận định rõ ràng. Hơn thế nữa từ sự hiểu lầm về bản thân khiến nhiều nhà đầu tư trở nne tự tin thái quá, có thể dẫn đến những quyết định hết sức liều lĩnh như: tất tay vào một cổ phiếu, hay sử dụng ful margin tài khoản. Tất cả đều đến từ việc nhà đầu tư chỉ nhớ đến một vài lần mình đã liều lĩnh và chiến thắng, chứ không nhớ đến nhưng lần mình bị thất bại và phải cắt lỗ.
Tác hại thứ hai đó là đưa cảm xúc vào các quyết định nhiều hơn. Khi nhà đầu bị hiệu ứng của biased memory, họ sẽ có những cảm xúc mãnh liệt hơn trước khi phải đưa ra một quyết định. Ví dụ như: Một nhà đầu tư đã từng cháy tài khoản, sẽ rất run sợ khi xuống tiền mua một cổ phiếu. Ký ức về lần thua lỗ ấy sẽ khiến quyết định đầu tư của anh ta ngập trong cảm xúc lo lắng và sợ hãi. Điều này khiến cho cá quyết định anh ta đưa ra thiếu tính khách quan, cũng như dựa vào cảm tính nhiều hơn rất nhiều.
Cuối cùng đó là sự ngừng học hỏi của bản thân. Khi một nhà đầu tư chỉ nhớ về những lần chiến thắng, anh ta sẽ tự định hình một phương pháp đầu tư cho mình và ngừng học hỏi. Hoặc khi một nhà đầu tư chỉ nhớ về những lần thua lỗ, anh ta sẽ run sợ và rời bỏ thị trường, khi mà chưa học được gì nhiều từ các phương pháp đầu tư. Trong cả hai trường hợp, kết quả đều là nhà đầu tư ngừng học hỏi cho bản thân. Việc này hết sức nghiêm trọng vì thị trường luôn thay đổi, không có cách làm nào là chiến tháng mãi mãi. Nhà đầu tư phải luôn giữ tư duy cởi mở, đón nhận những cái mới để hòa nhập và thích ứng với thị trường.
Vậy cách khắc phục hiện tượng này như thế nào?
Trước hết nhà đầu tư phải luôn ghi chép đầy đủ lịch sử các giao dịch, các quyết định ra vào cổ phiếu. Từ đó có được những thống kê chính xác cho phương pháp đầu tư của bản thân. Chứ không thể chỉ dựa vào trí nhớ hay cảm nhận để xây dựng kế hoạch đầu tư. Tiếp theo đó là trước bất kì một quyết định nào đều phải dựa vào các con số và những lập luận chặt chẽ. Không thể dựa vào bồ não hay cảm nhận của bản thân. Vì bộ não bị chi phối bởi biased memory, cũng như cảm xúc cũng vậy, chúng chỉ có hại nhiều hơn có lợi trước các quyết định được đưa ra. Tóm lại rằng, nhà đầu tư cần xây dựng một bộ thống kê cho bản thân, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư, chứ đừng chỉ dựa vào suy đoán hay cảm nhận. Duy trì được việc này sẽ giúp cho nhà đầu tư có một bộ não tỉnh táo và được những quyết định đúng đắn trên con đường đầu tư gian nan.
(trích sách Quant Trading – Hoàng Tùng)