Biến động giá cổ phiếu đến từ đâu

Một câu hỏi có lẽ của rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán đó là: Biến động giá cổ phiếu đến từ đâu? Trong phần này của cuốn sách, chúng ta sẽ cùng phân tích và tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi rất phổ biến này.

Lý thuyết trong Quant Trading đưa ra ba thành phần cấu tạo nên biến động của một cổ phiếu đó là: Market (thị trường), Sector (ngành), Company (công ty).

Stock Price = Market + Sector + Company

Đầu tiên là Market. Như ở phần trước chúng ta đã phân tích khái niệm Beta, mọi cổ phiếu trong thị trường đều chịu ảnh hưởng từ thị trường, phụ thuộc vào độ lớn của Beta. Các thống kê cho thấy gần như toàn bộ các cổ phiếu đều có Beta dương, có nghĩa là khi thị trường tăng/giảm thì cổ phiếu sẽ chịu ảnh hưởng tăng/giảm tương tự. Và đây chính là thành phần đầu tiên tạo nên biến động giá của một cổ phiếu. Tuy nhiên đây lại là thành phần khó đoán định nhất, vì sao lại thế? Vì nó có chứa quá nhiều yếu tố vĩ mô, cũng như chính trị trong đó. Nó là sự thanh giáng của cả nền kinh tế của một đất nước, cũng như chịu sự tác động rất lớn từ hành động của các nước khác trên thế giới. Ví dụ như khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào biển Đông. Vụ việc này đã khiến thị trường lao dốc thảm hại, gây tổn hại lớn đến tất cả các nhà đầu tư. Thế nhưng liệu ai có thể dự đoán được hành động này của Trung Quốc? Có lẽ là chẳng ai cả. Chính vì thế mà để dự đoán được biến động của Market là một bài toán khó với rất nhiều biến số cũng như sự ngẫu nhiên trong đó.

Thứ hai đó là Sector (ngành). Các công ty thuộc cùng một Sector sẽ chịu ảnh hưởng từ sự biến động của Sector đó. Ví dụ như: Các cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ trên thị trường Mỹ đã chứng kiến một sự tăng trưởng ngoạn mục trong vòng 10 năm vừa qua. Đưa toàn bộ các cổ phiếu này tăng giá từ 5 đến 20 lần giá trị. Khi mà một Sector (ngành) nào đó bùng nổ, nó sẽ tạo lực đẩy khiến toàn bộ các cổ phiếu thuộc ngành này tăng/giảm cùng nhau. Những nhà đầu tư kinh nghiệm trên thị trường hẳn sẽ quan sát được có những phiên giao dịch mà toàn bộ các cổ phiếu trong một ngành cùng tăng hoặc cùng giảm. Đó chính là tác động từ Sector đang được đề cập đến. Dĩ nhiên để dự đoán thành phần này không phải là chuyện dễ dàng, chúng ta phải hiểu được lợi thế cũng như tiềm năng của các Sector trong thị trường, rồi sau đó đưa dự đoán Sector nào sẽ bùng nổ thời gian tới. So sánh với việc dự báo thành Market thì có vẻ như Sector là một bài toán dễ dàng hơn. Chúng ta loại bỏ được rất nhiều những yếu tố vĩ mô, chính trị cũng như những tác động từ thế giới. Những thứ mà quá khó để dự báo cũng như đo lường với bất kỳ nhà đầu tư nào trong thị trường.

Cuối cùng là Company (công ty). Sau Market, Sector thì thành phần cuối cùng tạo ra biến động giá cổ phiếu mới là chính các công ty. Như ở trên chúng ta đã phân tích, các công ty thuộc cùng Sector sẽ có chung biến động trong rất nhiều thời điểm. Thế nhưng sẽ có những công ty tăng mạnh hơn, hoặc có những công ty giảm mạnh hơn so với các công ty khác. Điều này đến từ chính nội lực cũng như sức khỏe của các công ty. Ví dụ như Dell và HP đều cùng thuộc ngành sản xuất máy tính, chúng chịu chung sự thăng của toàn ngành. Thé nhưng nếu Dell có sức khỏe tốt hơn HP thì khi thị trường máy tính bùng nổ, cổ phiếu của Dell sẽ tăng nhanh hơn là cổ phiếu của HP và ngược lại, khi thị trường máy tính bão hòa, cổ phiếu của Dell sẽ giảm chậm hơn của HP. Và thành phần Company này lại là thành phần dễ dự đoán nhất so với hai thành phần vừa được nêu phía trên. Việc đưa ra dự báo công ty nào triển vọng nhất trong Sector là bài toán dễ hơn rất nhiều so với dự đoán Sector nào là tiềm năng nhất trong thị trường. Chính vì thế có rất nhiều chiến thuật trong Quant Trading triệt để khai thác khía cạnh này, chúng cố gắng loại bỏ hai thành phần Market và Sector, chỉ dự báo và kiếm lời từ thành phần Company.

Và từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra được lý giải cho những tình huống như: Tại sao công ty tốt như vậy mà cổ phiếu lại giảm giá? hoặc Tại sao tôi đã phân tích các lĩnh vực rất cụ thể mà vẫn thất bại? Đó là bởi vì có đến 3 yếu tố cấu thành nên giá của một cổ phiếu, chứ không chỉ đơn giản là công ty tốt, hay ngành tốt là giá sẽ tăng. Chính vì thế để có thể chiến thắng trong thị trường nhà đầu tư có hai lựa chọn. Một là buộc phải dự đoán thành công cả 3 thành phần kể trên, hai là tìm những công cụ tài chính để loại bỏ các thành phần mà mình không thể dự đoán. Sử dụng hợp đồng tương lai để Beta hedge như ở phần 1 của cuốn sách đã đề cập là một giải pháp rất phổ biến. Nó sẽ giúp nhà đầu tư loại bỏ được thành phần Market, bớt đi được những yếu tố ngẫn nhiên đến từ kinh tế hay chính trị, từ đó dễ dàng đạt được lợi nhuận từ thị trường rất đỗi khắc nghiệt.

Trích sách Quant Trading – Hoàng Tùng

Thái Phí

View posts by Thái Phí
Nhân viên IT

2 Comments

  1. […] người Long vì họ không được phép Short); khiến cho khi thị trường xảy ra biến động, sẽ có sự tháo chạy ồ ạt, dẫn đến giảm giá cực nhanh. Tại những thị […]

    Reply
  2. […] 2. Quan hệ này tồn tại vì trong thị trường hầu hết các mã cổ phiếu đều chịu tác động lớn từ chỉ số. Khi chỉ số tăng, các nhà đầu tư sẽ hưng phấn và mua vào, […]

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top